Đa số các công ty hiện nay đều có khoảng thời gian thử việc để nhân viên làm quen với các công việc cũng như là môi trường. Tuy nhiên, nhiều người lao động hiện nay vẫn không có đầy đủ những hiểu biết kỹ càng về lương thử việc nên thường xuyên bị các công ty chèn ép. Vì thế, hãy cùng Việc Làm Quảng Ngãi tìm hiểu rõ hơn về thử việc và mức lương thử việc để bạn không phải chịu thiệt thòi khi thảo luận vấn đề này với doanh nghiệp nhé!
1. Thử việc là gì?
Thử việc là quá trình làm việc thử mà người sử dụng lao động yêu cầu đối với người lao động, nhằm giúp người lao động hòa nhập với công việc và môi trường làm việc.
Theo Khoản 1 Điều 24 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019: “Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.”
Tuy nhiên, hợp đồng thử việc cũng không phải là hợp đồng bắt buộc mà người lao động và người sử dụng lao động phải ký kết trước khi tiến hành giao kết hợp đồng lao động, hai bên có thể tiến hành giao kết hợp đồng lao động có nội dung thử việc, hoặc giao kết hợp đồng lao động luôn mà không có nội dung thử việc.
2. Quy định về thời gian thử việc ra sao?
Thời gian thử việc của từng vị trí và từng ngành nghề sẽ khác nhau và được quy định cụ thể theo Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Đối với công việc ở mức quản lý doanh nghiệp
Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định thời gian thử việc tối đa dài nhất là không quá 180 ngày. Quy định này hợp lý bởi đây là công việc mang tính chuyên môn cao, chịu trách nhiệm lớn, phạm vi và mức độ công việc cũng rất lớn, nên đòi hỏi thời gian thử việc lâu hơn so với các công việc thông thường khác.
Đối với công việc yêu cầu trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên
Theo khoản 2 điều 25 của Bộ luật Lao động 2019 thì đối với một người lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên đảm nhiệm các công việc này có tính chất phức tạp, không thể thử việc trong thời gian ngắn hạn nhưng cũng không thể thử việc quá dài hạn, vì thế khoảng thời gian không quá 60 ngày (tương đương 2 tháng) là là mốc thời gian hợp lý nhất để thử việc.
Đối với công việc yêu cầu trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ
Các công việc ở cấp độ này có tính chất ở mức trung bình, không bằng hai nhóm trên, nên thời gian thử việc ngắn hơn, được quy định tại khoản 3 điều 25 của Bộ luật Lao động 2019 là không quá 30 ngày.
Đối với các công việc khác
Các công việc khác không thuộc các nhóm kể trên thì có thời gian thử việc thống nhất không quá 06 ngày. Những công việc này chủ yếu không đòi hỏi trình độ kỹ thuật, chuyên môn cao, cũng không đòi hỏi bằng cấp, đây là những công việc đơn giản, không cần thời gian thử việc dài ngày.
3. Mức lương thử việc như thế nào là đúng pháp luật?
Người lao động cần nắm rõ về mức lương thử việc theo đúng quy định của pháp luật để không phải chịu thiệt thòi khi đi xin việc. Theo điều 26, Bộ luật Lao động 2019 quy định rằng: “Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.”
Ví dụ: Công ty A tuyển dụng vị trí nhân viên marketing với mức lương chính thức là 10 triệu đồng/tháng. Trong thời gian thử việc, nhân viên này sẽ nhận được ít nhất: 85% x 10 triệu đồng = 8.5 triệu đồng. Tuy nhiên, người lao động cũng có thể trả với mức lương thử việc cao hơn số tiền lương thử việc tối thiểu 8.5 triệu đồng này.
Như vậy, lương thử việc sẽ phụ thuộc vào mức lương chính thức mà người lao động được nhận sau khi kết thúc thử việc. Do đó, để tránh mất quyền lợi, người lao động cần biết mức lương chính thức tối thiểu của từng vùng được pháp luật quy định theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022, có hiệu lực từ ngày 1/7/2022 như sau:
Doanh nghiệp thuộc: |
Mức lương tối thiểu | Mức lương thử việc tối thiểu |
Vùng I | 4.680.000 đồng/tháng | 3.978.000 đồng/tháng |
Vùng II | 4.160.000 đồng/tháng | 3.536.000 đồng/tháng |
Vùng III | 3.640.000 đồng/tháng | 3.094.000 đồng/tháng |
Vùng IV | 3.250.000 đồng/tháng | 2.762.500 đồng/tháng |
Bên cạnh việc hiểu rõ mức lương thử việc theo đúng quy định của pháp luật để được đảm bảo quyền lợi, người lao động cũng cần chú ý một số vấn đề sau khi thảo luận về lương thử việc đối với các công ty:
Lương thử việc có thể phải trích đóng bảo hiểm xã hội
Theo quy định tại Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2019, các bên có thể thỏa thuận về nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động thay vì ký hợp đồng thử việc. Theo đó, nếu người sử dụng lao động và người lao động ký kết thử việc ngay trên hợp đồng lao động thì phải tuân thủ theo điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, ghi nhận người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Do đó, nếu các bên thỏa thuận về thử việc trong hợp đồng lao động, người lao động sẽ được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nói cách khác, người lao động sẽ phải trích một phần lương thử việc để đóng bảo hiểm.
Lương thử việc có thể bị tính đóng thuế thu nhập cá nhân
Về cơ bản, theo điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động được xác định là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Do đó, tiền lương thử việc cũng được tính là khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Vì vậy, trước khi trả lương cho người lao động, người sử dụng lao động được phép trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người lao động.
Tuy nhiên, cũng theo quy định này, người lao động chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân trong các trường hợp sau:
- Người lao động thử việc bằng cách ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên mà có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công lớn hơn 11 triệu đồng/tháng (nếu không có người phụ thuộc, nếu có 01 người phụ thuộc thì thu nhập phải lớn hơn 15,4 triệu đồng/tháng).
- Người lao động ký hợp đồng thử việc hoặc thử việc với hợp đồng lao động dưới 03 tháng mà có tổng mức thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên nhưng không làm cam kết theo mẫu 02/CK-TNCN (Bản cam kết áp dụng cho cá nhân chưa đến mức thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân) gửi người sử dụng lao động sẽ bị khấu trừ 10% tiền lương thử việc.
Phải làm gì khi công ty không trả đủ lương thử việc?
Các doanh nghiệp không trả đúng lương thử việc là quy phạm quyền lợi của người lao động. Không chỉ vậy, việc trả lương thử việc thấp hơn mức quy định còn là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, người sử dụng lao động sẽ bị phạt hành chính theo điểm c khoản 2 Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó.
Ngoài việc bị phạt tiền, người sử dụng lao động nếu trả lương thử việc thấp hơn mức 85% còn buộc phải trả đầy đủ tiền lương theo mức này cho người lao động. Vì thế, nếu doanh nghiệp không trả đúng mức lương thử việc theo pháp luật quy định thì người lao động có thể chấm dứt thử việc và báo cáo với các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét và xử phạt.
Tự ý chấm dứt hợp đồng thử việc thì có được nhận lương thử việc?
Theo Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc kết thúc thời gian thử việc như sau:
- Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.
- Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
- Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
- Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Như vậy, theo quy định trên thì trong thời gian thử việc, cả hai bên là người sử dụng lao động và người lao động đều có quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc mà không cần phải báo trước cũng như sẽ không phải bồi thường gì cả, đặc biệt người lao động vẫn có quyền nhận đủ lương thử việc cho những ngày công đã làm.
Trên đây là những quy định về thử việc và mức lương thử việc theo đúng pháp luật mà Việc Làm Quảng Ngãi muốn chia sẻ tới bạn. Mong rằng với những thông tin bổ ích này có thể giúp bạn bảo vệ được quyền lợi của bản thân khi đi phỏng vấn và xin việc. Và đừng quên đón đọc những bài viết hữu ích khác nhé!